Bộ phận tiếp nhận và trả
kết quả Phường 8 (TP Tuy Hòa) hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh:
PHẠM THÙY
Năm 2023, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả công bố các chỉ số có liên quan đến công tác này và việc triển khai một số nhiệm vụ cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác
chỉ đạo, điều hành thực hiện cải cách hành chính (CCHC), nâng cao vai trò,
trách nhiệm người đứng đầu, triển khai CCHC toàn diện và đồng bộ ở tất cả lĩnh
vực, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao
chỉ số CCHC trong năm 2024.
Chỉ số CCHC tăng 11 bậc
Sau 5 năm liên tiếp xếp hạng ở các vị
trí 60-63/63 tỉnh, thành phố, năm 2023, chỉ số CCHC của Phú Yên tăng 11 bậc,
xếp 52/63 (trong nhóm B), đạt 85,39%, tăng 9,4 điểm so với năm 2022 (năm 2022
là 75,99%, thuộc nhóm C, vị thứ 63/63). Với kết quả này, Phú Yên được ghi nhận
là tỉnh có mức tăng nhiều nhất trong 63 tỉnh, thành.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc
Tuấn, thời gian qua, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả
nổi bật. Cụ thể, tỉ lệ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đúng hạn của tỉnh
đạt mức cao nhất trong nhiều năm gần đây (98,85%) và cũng là lần đầu tiên tất
cả sở, ngành, địa phương đều có tỉ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn trên 95%.
Đây là kết quả của công tác chỉ đạo,
giải quyết TTHC cho người dân, đặc biệt là Sở TN&MT và UBND các huyện, thị
xã, thành phố. Bên cạnh đó, kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến có mức
tăng đáng kể, nổi bật như: Tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến là 41,4%, rút ngắn khoảng
cách với mức trung bình cả nước (47,42%); hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 45,29%
so với trung bình cả nước là 60,1%; hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 53,62%, cao
hơn mức trung bình cả nước (42,63%). Tỉnh cũng đã hoàn thành việc phê duyệt Đề
án vị trí việc làm đối với 21/21 cơ quan hành chính cấp tỉnh và đã hoàn tất các
nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, trình HĐND tỉnh.
TX Sông Cầu là một điển hình trong nỗ
lực CCHC. Từ một địa phương có tỉ lệ giải quyết TTHC đúng hạn thấp, chỉ 43%
(năm 2023), 5 tháng đầu năm 2024, TX Sông Cầu đã giải quyết gần 99% hồ sơ đúng
hạn.
“Trong thời gian đến, Sông Cầu tiếp
tục triển khai chương trình CCHC đảm bảo thực hiện đồng bộ tất cả các lĩnh vực,
gắn với rà soát, đơn giản hóa TTHC, loại bỏ những thủ tục rườm rà, không hợp
lý, tạo bước đột phá về thời gian, chất lượng giải quyết TTHC. Đồng thời tăng
cường công khai, minh bạch, trong giải quyết TTHC gắn với xây dựng chính quyền
điện tử, tăng lòng tin của người dân và doanh nghiệp…”, ông Phan Trần Vạn Huy,
Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết.
Đồng bộ các biện pháp
Theo Sở Nội vụ, bên cạnh những kết quả
đạt được, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế kéo dài từ các
năm trước nhưng chậm khắc phục và còn một số nội dung, chỉ tiêu thực hiện thấp,
như tỉ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc
gia được đưa vào sử dụng chính thức chỉ đạt 24%.
Người dân đến giải quyết
thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa huyện Đồng Xuân. Ảnh: PHẠM THÙY
Theo thông báo của Văn phòng Chính
phủ, Phú Yên cũng là 1 trong 6 tỉnh, thành phố còn lại chưa hoàn thành kết nối,
tích hợp với Kho quản lý dữ liệu điện tử của Cổng dịch vụ công quốc gia; giữa
các cổng dịch vụ công tỉnh, dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo
chưa có sự đồng bộ, thống nhất số liệu dẫn đến khó khăn trong công tác theo dõi
chỉ đạo và triển khai thực hiện của cơ quan, đơn vị.
Tỉ lệ người dân phản ánh, kiến nghị về
hành vi, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết
TTHC còn rất cao, chiếm 61,11% tổng số kiến nghị (tỉ lệ trung bình của cả nước
chỉ 31,22%). Ngoài ra, việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính
chưa đạt chỉ tiêu.
Theo UBND tỉnh, kết quả công bố các
chỉ số có liên quan đến công tác CCHC của tỉnh năm 2023 và việc triển khai thực
hiện một số nhiệm vụ CCHC chưa đạt yêu cầu. Mức độ hài lòng của người dân về sự
phục vụ của các cơ quan hành chính cũng như kết quả đánh giá của đại biểu HĐND
tỉnh, lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban ngành, UBND cấp huyện và lãnh đạo cấp phòng
chuyên môn thuộc sở vẫn còn thấp và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước.
Chính vì vậy, để tiếp tục nâng cao
hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện CCHC, nâng cao vai trò và trách
nhiệm người đứng đầu, thực hiện CCHC toàn diện và đồng bộ ở tất cả lĩnh vực,
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương phải áp dụng nhiều biện pháp
đồng bộ để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, nâng cao chỉ số
CCHC tỉnh năm 2024.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường
vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ban ngành, địa
phương phải tăng cường công tác chỉ đạo CCHC, thực hiện đánh giá thường xuyên
kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình
thực hiện.
Trong đó, tập trung nghiên cứu các báo
cáo phân tích kết quả chỉ số PAR Index và SIPAS năm 2023, rà soát những nội
dung bị mất điểm so với điểm quy định liên quan đến trách nhiệm của cơ quan,
địa phương mình; có kế hoạch phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho tổ chức, cá
nhân thực hiện.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tiếp
tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; triển khai các chủ
trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách chính sách tiền
lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đảm bảo thời gian
theo quy định của trung ương và của tỉnh; tập trung nâng cao hiệu quả công tác
kiểm soát TTHC, đẩy mạnh cải cách TTHC thực chất, cải thiện mức độ hài lòng của
người dân trong giải quyết TTHC.
Đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên
truyền CCHC; tuyên truyền nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức về trách nhiệm tham gia CCHC, trách nhiệm phục vụ người dân; tuyên truyền
hướng dẫn người dân hiểu, đồng hành thực hiện.
“Các cơ quan, đơn vị, địa phương xác
định cụ thể những tồn tại, hạn chế và trách nhiệm trong từng lĩnh vực của cơ
quan, đơn vị mình để có giải pháp kịp thời khắc phục; nâng cao chất lượng, hiệu
quả thực hiện, từ đó cải thiện các nội dung đảm bảo từng lĩnh vực năm 2024 đều
tăng điểm hơn so với năm 2023. Việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, cải thiện
và nâng cao các chỉ số liên quan đến công tác CCHC là nhiệm vụ thường xuyên,
liên tục của các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ
quan, đơn vị. Các cơ quan được phân công phụ trách chủ trì, tổng hợp các lĩnh
vực CCHC (Văn phòng UBND tỉnh, các sở: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, TT&TT,
KH&ĐT) nâng cao vai trò, chủ động tham mưu UBND tỉnh giải pháp cải thiện
từng lĩnh vực; chủ động hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị hoàn
thành các nội dung theo yêu cầu của chỉ số CCHC”, đồng chí Lê Tấn Hổ nhấn mạnh.
Để hoàn thành có chất lượng và đúng
tiến độ 100% các nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, các sở,
ban ngành, địa phương khi thực hiện các biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn
chế trong CCHC phải cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ và kết quả hoàn
thành, nhất là những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra nhiều lần nhưng đến nay
chưa khắc phục.
Đồng chí Lê
Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Phó Chủ
tịch thường trực UBND tỉnh
|
PHẠM THUỲ
Báo Phú Yên Online
Thứ Tư, ngày 22/5/2024